Rau răm còn có tên gọi khác là Thủy liễu, là loại cây rau gia vị không thể thiếu trong các món ăn có vị tanh như hải sản, gia cầm hoặc dùng kèm thịt luộc với rau sống chấm mắm ớt gọi là hoàn hảo trọn vị
Đặc tính
Cây rau răm có tên khoa học là Persicaria odorata, thuộc họ Thân đốt.
Là cây thân thảo, lâu năm, mọc bò và rễ mọc ra từ các đốt; lá mọc so le, hình trứng mác, dài từ 3-5cm, mặt lá trên xanh thẫm, mặt dưới lá hung đỏ.
Hoa mọc thành bông dài, thường màu trắng, mảnh; quả nhỏ.
Điều kiện trồng cây
Rau răm có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á.
Cây rau răm chịu sáng bán phần đến râm mát (ưa sáng và ưa ẩm-bán phần), phù hợp với đất tơi xốp, đất thịt pha cát cát hoặc đất tổng hợp, đất đen, dễ trồng, dễ chăm sóc.
Thích hợp sống ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ( không quá nóng hoặc quá lạnh).
Cách trồng, chăm sóc và thu hoạch
Cách trồng: Trồng rau răm bằng cách giâm cành, cắt những đoạn cành khỏe, đặt nơi ẩm ướt, sau khi cành bén rễ có thể trồng trực tiếp hoặc đẻ nhánh (cây con) từ các đốt. Có thể trồng trong thùng xốp, chậu hoặc đất vườn.
Chăm sóc: Rau răm khá dễ trồng và tốn ít công chăm sóc.
Khi đã bén rễ thì cây sẽ phát triển khá nhanh. Muốn cây rau răm cho ra nhiều lá và mượt lá cần chú ý đến ánh sáng, nước và phân bón cho cây. Nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh thì cây sẽ rụi tàn, còi và chết nhanh chóng.
Khâu tưới nước: Cần tưới nước hằng ngày, tưới nhẹ, giữ ẩm với lượng vừa phải, tránh quá nhiều nước sẽ gây tình trạng úng rễ dẫn đến chết cây.
Thu hoạch: Thu hoạch rau răm chủ yếu ở phần lá hoặc đọt non tươi. Sau khi thu hoạch cần có sự “bồi bổ” thêm về phân bón, nước để cây nhanh chóng hồi phục, đẻ nhánh và phát triển lá mới.
Lưu ý theo mùa khi trồng
Như đã đề cập ở trên, cây râu răm ưa sáng nhưng cũng ưa ẩm (bán râm), cần lượng nước nhẹ, vừa phải, nên tránh trồng những lúc có mưa quá lớn sẽ dễ làm cây chết úng; hạn chế không trồng cây ở điều kiện nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, sẽ làm cây khó phát triển, phát triển chậm hoặc hư rễ dẫn đến chết cây.
Tác dụng
Rau răm một loại cây rau thơm sớm đã khẳng định vị trí không thể thay thế của mình trong ẩm thực Việt nói riêng và ẩm thực Đông Nam Á nói chung với một hương vị lạ lùng được nhiều người ưa thích từ dân bản địa đến thực khách phương Tây:
Vai trò thực phẩm:
Rau răm sau khi thu hái lá, đọt non tươi rửa sạch, để ráo và có thể dùng trong các cách chế biến sau đây:
- Rau răm thái nhỏ dùng trong các món canh như bún, phở, cháo…
- Dùng trộn kèm với rau sống để ăn kèm các món thịt, hải sản
- Rau răm nguyên lá dùng ăn kèm với trứng vịt lộn (bộ đôi không thể tách rời)
- Dùng trong gỏi gà, gỏi vịt, vừa thơm, vừa tạo vị, rất hút người ăn.
- Dùng trong món súp đặc trưng tại Singapore hay Malaysia
Vai trò trong Y học:
Trong Đông y rau răm có vị nồng, hơi cay, tính ấm với nhiều công dụng như:
- Khử vết độc rắn cắn
- Chữa đau cảm, sổ mũi
- Chữa đầy bụng
- Chữa đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh
- Trị nước ăn chân, hắc lào, ghẻ lỡ
Khi sử dụng rau răm trong điều trị bệnh cần có sự tham khảo từ người có chuyên môn để tránh các trường hợp không mong muốn có thể xảy ra.