Thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm mang nhiều dưỡng chất có lợi cho con người chính là chức năng thường thấy được người ta nhắc nhiều khi nói đến cây nha đam.
Đặc tính
Lô hội, long tu, lưỡng hổ, tương đam, du thông,… còn là tên gọi khác của cây nha đam (tên khoa học là Alovera)
Là loại cây mọng nước thuộc chi Lô Hội, thân mọng nước như xương rồng, cao từ 60-100cm (ở cây trưởng thành). Nha đam gồm nhiều bẹ lá, mọc sát nhau, dài từ 30-60cm.
Bẹ lá nha đam gồm ba phần: vỏ có màu xanh lục hoặc xanh đậm; tế bào biểu bì bên trong vỏ (chất nhầy); thịt lá (thạch nha đa, gel nha đam) trong suốt, chứa nhiều dưỡng chất.
Hoa nha đam mọc ở nách bẹ lá, có nhiều màu khác nhau tùy loại, chứa rất nhiều hạt.
Có hơn 300 loài nha đam khác nhau: aloe vera (phổ biến ở Việt Nam), aloe ferox,
Điều kiện trồng cây
Nha đam vốn là cây gia vị, rau thơm có nguồn gốc từ Bắc Phi, sau đến mãi thế kỉ XX được người Pháp đem giống đến Việt Nam và trồng nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nha đam chịu sáng, chịu khô hạn tốt, có thể thích nghi với điều kiện nắng nóng, khô hạn; phù hợp với đất tơi xốp, đất pha cát cát hoặc đất tổng hợp, dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên không chịu được ngập úng, thời tiết lạnh.
Có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhờ lớp lá dày và dịch vàng bên trong lá.
Cách trồng, chăm sóc và thu hoạch
Cách trồng: Trồng nha đam bằng phương pháp vô tính:
Cắt ngọn cây mẹ: Cắt ngọn nha đam mẹ thì một thời gian sau sẽ ra rất nhiều cây con quanh gốc. Cây con lớn khoảng 10cm thì tách khỏi gốc cây mẹ, đem trồng trực tiếp hoặc đem chăm sóc đến khi cây lớn khoảng 15-20cm thì đem ra trồng.
Nhân giống bằng lá: Chọn bẹ lá mập mạp, khỏe mạnh, tách ra từ thân chính sau đó đặt nằm ngang, một phần ở dưới nước, phần gân lá hướng lên trên.
Chăm sóc: Nha đam là loại cây trồng không yêu cầu quá nhiều về phương tiện, công sức và phân bón. Vì cây có thể chịu hạn và chịu nóng tốt nên cần chú ý tới ánh sáng và lượng nước cho cây. Tuy nhiên cần bổ sung phân bón phù hợp để cây nhanh chóng phát triển tốt hơn, đồng thời cần làm cỏ hoặc phòng trừ sâu bệnh nếu trồng với diện tích lớn.
Khâu tưới nước: Cần tưới nước nhẹ với lượng vừa phải, tránh quá nhiều nước sẽ gây tình trạng úng rễ dẫn đến chết cây. Đặc biệt là cây con hạn chế cho tiếp xúc với đất ẩm quá lâu, dễ gây thối rễ. Nếu vào mùa mưa hoặc gặp mưa cần tạo rảnh, thông thoát nước cho nha đam.
Thu hoạch: Thu hoạch nha đam là ở phần bẹ lá. Sau 6 tháng có thể thu hoạch lứa nha đam đầu tiên. Tùy vào giống loại nhưng thường nha đam khi thu hoạch sẽ đạt trọng lượng 300-400 gr/ lá, chiều dài lá 50- 75 cm và có thể thu hoạch 3-4 lần/ năm.
Lưu ý theo mùa khi trồng
Như đã đề cập ở trên, cây nha đam ưa sáng, thích nghi được với điều kiện nắng nóng, khô hạn, cần lượng nước nhẹ, vừa phải, nên tránh trồng những lúc có mưa quá lớn sẽ dễ làm cây chết úng; hạn chế không trồng cây ở điều kiện nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, sẽ làm cây khó phát triển, phát triển chậm hoặc hư rễ dẫn đến chết cây.
Cây trồng được mọi lúc mọi nơi nhưng thích hợp nhất là mùa xuân và thu.
Tác dụng
Nha đam từ lâu đã được ưu ái và ưa chuộng bởi mang đến cho con người nhiều lợi ích:
Vai trò thực phẩm:
- Dinh dưỡng dồi dào: Nha đam (phần gel) chứa nhiều dưỡng chất như axit amin, vitamin, chất khoáng, các monosaccharid, polysaccharid, các prostaglandin và các axít béo chưa bão hoà, các chất chống oxi hóa và nhiều ezyme có lợi khác.
- Dùng nấu chè, ăn sống, làm sinh tố: Khi hái bẹ nha đam, cần gọt vỏ, làm sạch lớp nhựa vàng bên trong vỏ, rửa sạch cho bớt nhớt và chế biến ăn ngay, tránh để lâu ngoài không khí sẽ gây hao hụt chất dinh dưỡng có trong nha đam.
- Đặc biệt có thể chế biến nha đam thành các loại nước uống rất dinh dưỡng.
Vai trò trong Y học:
Nha đam được biết đến với nhiều công dụng trị và hỗ trợ điều trị các bệnh như:
- Kháng khuẩn
- Nhuận tràng
- Làm dịu, làm lành vết thương
- Trị viêm loét dạ dày
- Trị bệnh ngoài da
- Phòng ngừa sỏi niệu
- Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh gan, tiểu đường, cao huyết áp.
Tuy nhiên khi sử dụng nha đam hay các thành phần hoạt chất trong nha đam trong điều trị bệnh cần có sự tham khảo từ người có chuyên môn để tránh các trường hợp không mong muốn có thể xảy ra.
Vai trò trong làm đẹp
Nha đam được xem như một loại mỹ phẩm có tác dụng làm đẹp vô cùng hữu hiệu và được nhiều chị em ưa thích với các công dụng như:
- Trị mụn
- Hỗ trợ giảm cân
- Tái tạo da
- Làm dịu da
- Cải thiện nếp nhăn
- Làm trắng da
- Làm mềm môi
- Chiết xuất làm kem dưỡng và nhiều dược mỹ phẩm khác.
Tuy nhiên khi sử dụng nha đam làm đẹp cần chú ý các trường hợp bị kích ứng. Nên rửa sạch lớp mủ vàng và bảo quản trong tủ lạnh khi không dùng tới.