Thằn lằn là một trong những loại cây cảnh đẹp được ưa chuộng khi nhắc tới việc tạo cảm quan xanh cho tường nhà. Đây là cây trồng dây leo có tuổi thọ cao đồng thời cũng tạo ra không gian sống vô cùng thư giãn bởi sắc xanh êm dịu.
Đặc tính cây dây leo
Cây thằn lằn còn có tên gọi khác là Thằn lằn bò, Vẩy ốc, Trâu cổ và có tên khoa học là Ficus pumila.
Cây thân thảo, dạng cây dây leo. Lá bản nhỏ, màu xanh thẫm, mọc đơn, mép nguyên. Dây (thân của thằn lằn) khá chắc, dẻo và có màu nâu xám.
Thích nghi khá tốt với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt (chịu nóng khá tốt,chịu úng), tốc độ sinh trưởng nhanh, sống bền và sức sống cao.
Điều kiện trồng cây dây leo
Là cây chịu sáng tốt.
Thích hợp trồng ở chậu hoặc phần đất rộng, thoáng…và hợp với đất trồng tơi xốp, đất đen, đất tổng hợp, đất thịt pha cát,…
Cây có thể leo, bò được trên các giá thể khác như: đá, tường, vách, cột,…
Cách trồng và chăm sóc cây dây leo
Cách trồng: Trồng thằn lằn bằng cách giâm cành.
Chăm sóc:
Thằn lằn rất dễ chăm vì chúng thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt, ít sâu bệnh và có sức sống cực kì cao.
Chăm sóc thằn lằn không cần cầu kì về kĩ thuật, tuy nhiên cần chú ý đến phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây để cây phát triển (làm cho lá xanh hơn và thúc đẩy sự phân nhánh, tỏa tán của cây), đồng thời nên tỉa cành già cỗi cho cây để tạo cảm quan và ngừa sâu bệnh tốt hơn.
Cần tưới vừa nước, giữ ẩm khu vực đất xung quanh cây.
Thằn lằn có thể sống được trong điều kiện bóng râm, tuy nhiên để phát triển nhanh, xanh và tốt nhất thì cần dồi dào về ánh sáng.
Lưu ý theo mùa khi trồng
Thằn lằn ưa sáng, nhu cầu nước, dinh dưỡng trung bình, nên tránh trồng những lúc có mưa quá lớn sẽ dễ làm cây chết úng; hạn chế không trồng cây ở điều kiện nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, sẽ làm cây khó phát triển, phát triển chậm hoặc hư rễ dẫn đến chết cây.
Công dụng, ý nghĩa:
Có thể bò lên vách đá, vách tường, gỗ, nhựa,….đồng thời tạo ra không gian xanh dễ chịu, mát mẻ quanh năm nên thằn lằn được chọn trồng làm, trang trí quán cafe, cây công trình, vườn nhà, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, ….
Trong Y học dân gian, thằn lằn còn là một bài thuốc chữa bệnh như: chữa tắc tia sữa, bổ dương, kích thích chuyện yêu,…(khi dùng thằn lằn trong điều trị bệnh cần tham khảo ý kiến người có chuyên môn).
Thằn lằn còn có khả năng lọc bụi bẩn, điều hòa không khí và tạo cảm quan môi trường rất tốt.